Chung sức xây dựng nông thôn mới



Trong những năm qua, song song với chiến lược phát triển kinh doanh, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) luôn đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a⁄2008⁄NQ-CP ngày 27⁄12⁄2008 của Chính phủ, góp phần tích cực trong công tác xây dựng nông thôn mới.

Tổng công ty được Chính phủ phân công hỗ trợ 2 huyện nghèo huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng và huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận theo công văn số 633/LĐTBXH-BTXH ngày 04 tháng 3 năm 2009 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Đây là 2 huyện có vùng nguyên liệu thuốc lá của Tổng công ty, đó là điều kiện thuận lợi để Tổng công ty kết hợp tốt giữa nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của mình với công tác xã hội theo sự phân công của Chính phủ.

Tính từ năm 2009 đến năm 2014, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam đã triển khai hỗ trợ huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận và huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng với tổng số tiền trên 34 tỷ đồng với nhiều hoạt động an sinh, xã hội như: Hỗ trợ kinh phí cho hơn 2021 hộ dân của 02 huyện xây nhà ở thuộc đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo quy định tại Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và được tỉnh phê duyệt; xây dựng gần 100 căn nhà tình nghĩa cho người có công với Cách mạng; làm hơn 30km đường giao thông nông thôn tại huyện Hà Quảng, xây dựng trường học và trạm y tế đạt chuẩn quốc gia tại các địa phương, đào tạo nghề cho nông dân và đặc biệt là cấp học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó… nhằm giúp các huyện thoát nghèo nhanh và bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

Bên cạnh đó, nhiều hoạt động từ thiện, nhân đạo khác cũng được Tổng công ty tham gia tích cực. Hiện các đơn vị trong toàn Tổ hợp Tổng công ty đang phụng dưỡng 46 mẹ Việt Nam anh hùng và 3 thương binh nặng. Từ năm 2010 – 2015, các đơn vị trong toàn Tổ hợp Tổng công ty đã hỗ trợ xây tặng 129 nhà tình thương, 422 nhà tình nghĩa; hàng năm tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho công nhân viên chức lao động là thương binh, các gia đình liệt sĩ, thăm hỏi Mẹ Việt Nam anh hùng nhân ngày 27/7 và Tết âm lịch. Tổng công ty thường xuyên đóng góp, hỗ trợ các tổ chức từ thiện xã hội như: Hội cứu trợ trẻ em khuyết tật, các quỹ học bổng, hội khuyến học, mái ấm nhân đạo. Ngoài ra, công nhân viên chức lao động Tổng công ty cũng tích cực hưởng ứng góp tiền lương để hỗ trợ đồng bào miền Trung bị bão lũ gặp khó khăn trong cuộc sống, ủng hộ lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư, và được công nhân viên chức lao động tích cực hưởng ứng.

Từ vụ thuốc lá đông xuân 2009 – 2014 đến nay, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam đã tổ chức được 112 lớp theo đúng quy trình tuyển sinh và quản lý lớp học, với số lượng học viên được đào tạo nghề là 3.360 người. Trong đó 84 lớp đã hoàn thành còn 28 lớp đang triển khai.

Chương trình thí điểm đào tạo nghề cho lao động nông thôn vùng chuyên canh thuốc lá bước đầu đã thu được hiêu quả tích cực, thu hút sự quan tâm của chính quyền địa phương các cấp. Nông dân phấn khởi, tin tưởng vào chủ trương, chính sách ưu đãi của Đảng và Chính phủ đối với việc phát triển nông nghiệp, nông thôn, và xây dựng nông thôn mới. Nhận thức của nông dân tại các vùng chuyên canh trồng thuốc lá đã nâng cao lên một bước, bà con đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình trồng thuốc lá; sử dụng, bảo quản, tiêu huỷ thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả và quan tâm đến bảo vệ môi trường; tạo được sự gắn kết giữa các học viên với nhau, giữa học viên với các nông dân khác.

Kết quả đào tạo cũng tạo sức lan toả của mô hình đào tạo trong cộng đồng dân cư tại địa phương, đặc biệt tại các vùng dân tộc thiểu số , hộ nghèo tại vùng cao đã thay đổi rõ rệt do chương trình dạy nghề có lồng ghép trao đổi về các vấn đề như bình đẳng giới, dân số và kế hoạch hoá gia đình, bạo lực trong gia đình, và các vấn đề khác nổi bật trong vùng; qua đó góp phần tạo cuộc sống gia đình hạnh phúc.

Năng suất và chất lượng thuốc lá nguyên liệu từ khi có áp dụng chương trình thí điểm được nâng cao từ 1,3-1,6 tấn/ha lên 1,7 -2 tấn/ha; cá biệt có hộ gia đình đạt năng suất trên 2 tấn/ha. Chất lượng sản phẩm bước đầu đã có sự cải thiện đáng kể được các đơn vị sản xuất thuốc lá điếu ghi nhận và một phần sản phẩm thuốc lá nguyên liệu trong nước đã được xuất khẩu ra nước ngoài. Thu nhập bình quân trên 1 ha tăng từ 35 triệu/ha năm 2005 lên 50 triệu/ha mùa vụ năm 2010-2011; Mùa vụ 2011-2012 đạt khoảng 70 triệu/ha; mùa vụ năm 2012-2014 đạt khoảng 80 triệu/ha; 100% sản lượng đầu ra đạt yêu cầu được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, ký hợp đồng đầu tư và tiêu thụ thuốc lá.

Đánh giá về những kết quả đạt được, Ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam khẳng định: “Tổng công ty đang thực hiện “Đề án phát triển vùng nguyên liệu thuốc lá đến năm 2020, tầm nhìn 2030” để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động trên. Tổng công ty cam kết sẽ tiếp tục kết hợp hài hòa nhiệm vụ sản xuất kinh doanh chính với với công tác xã hội, đem hết khả năng chung tay cùng với Chính phủ góp phần xây dựng nông thôn mới”.

Tin khác đã đăng