Kiến nghị đẩy mạnh công tác phòng chống buôn lậu thuốc lá



Nhận thấy tình hình buôn lậu thuốc lá đang ngày càng nghiêm trọng và có tác động xấu đến xã hội, năm 2014 Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những quyết sách kịp thời, sáng suốt để ngăn chặn

I. Hoạt động sản xuất kinh doanh 5 tháng đầu năm 2015: Nỗ lực củng cố thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu

Trong 5 tháng đầu năm 2015, mặc dù tình hình buôn lậu gia tăng mạnh và diễn biến phức tạp, toàn Tổ hợp Tổng công ty đã nỗ lực vượt khó, thực hiện các giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm như: Tập trung củng cố và phát triển ổn định hoạt động SXKD lĩnh vực Thuốc lá, thực phẩm, bánh kẹo; mở rộng hiệu quả thị trường tiêu thụ các sản phẩm đồ uống, góp phần xây dựng hình ảnh, thương hiệu lĩnh vực công nghiệp thực phẩm của TCT; Phát triển hoạt động xuất khẩu theo hướng hiệu quả và bền vững; Tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản lý TCT theo định hướng chiến lược: Một tổ chức – Một tầm nhìn – Một đội ngũ – Một hệ thống quản lý; Tiếp tục thực hiện hiệu quả đề án tái cấu trúc TCT làm cơ sở cho việc triển khai Chiến lược phát triển TCT đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030; Tập trung nghiên cứu phát triển sản phẩm thuốc lá điếu mới; đầu tư nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh…

Kết quả thực hiện: Hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn Tổ hợp giữ vững ổn định, một số chỉ tiêu có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước (CKNT):

– Tổng doanh thu: đạt 11.217 tỷ đồng, bằng 38% KH và bằng 95% CKNT.

– Nộp ngân sách đạt 3.204 tỷ đồng, hoàn thành trên 42% KH và 99% CKNT.

– Kim ngạch xuất khẩu đạt gần 67 triệu USD, bằng 38% KH, 91,4% so CKNT.

Cũng trong 5 tháng đầu năm 2015, Tổng công ty đã tích cực triển khai nhiều phần việc quan trọng như: tích cực triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu theo đúng lộ trình đề ra, đảm bảo tính thận trọng, hiệu quả. Theo đó, trong thời gian tới, Công ty Thuốc lá Cửu Long trở thành công ty con của Công ty Thuốc lá Sài Gòn; các Công ty Thuốc lá Bắc Sơn và Đà Nẵng trở thành công ty con của Công ty Thuốc lá Thăng Long; Hoàn thiện phương án cổ phần hóa Tổng công ty

II. Một số kiến nghị nhằm đẩy mạnh công tác phòng chống buôn lậu thuốc lá:

Tình hình thuốc lá lậu:

Năm 2014, thuốc lá lậu tăng lên 30-40% (trên 1 tỷ bao). Thuốc lá lậu xuất hiện lan tràn ở hầu hết các tỉnh trên phạm vi toàn quốc, gia tăng về số lượng và chủng loại. Trước đây thuốc lá lậu chủ yếu là HERO, JET (giá khoảng 14.000-18.000đ), thời gian qua đã xuất hiện nhiều loại thuốc lá lậu giá rẻ, chất lượng kém như: League, Luxury, Cambo, Ram, Rainson (giá từ 2.700 đồng – 4.000 đồng/bao), Mine, Gem (4.000đ), Golden Deer (5.000đ), Elephant (5.500đ)….

Theo điều tra của Oxford Economics 2014, Việt Nam đã trở thành thị trường tiêu thụ thuốc lá lậu hàng đầu trong số 14 quốc gia Châu Á được khảo sát (bao gồm: Indonesia, Thailand, Cambodia, Taiwan, Laos, Australia, Philippines, Singapore, Viet Nam, Myanmar, Pakistan, Hong Kong, Malaysia, Brunei).

Thuốc lá lậu do trốn thuế (Thuế TTĐB 65%, VAT 10%, thuế NK 135%, 1% Quỹ PCTHTL) nên có thể bán rẻ hơn nhiều so với thuốc lá sản xuất trong nước (cùng chủng loại, cùng phân khúc). Đặc biệt, thuốc lá nhập lậu không phải in cảnh báo sức khỏe, không bị kiểm soát về hàm lượng Tar, Nicotine nên gây nguy hại đến sức khỏe cộng đồng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo kết quả phân tích của Viện Kinh tế kỹ thuật Thuốc lá thì trong thuốc lá lậu có một số độc tố cấm sử dụng, hàm lượng Tar, Nicotine vượt xa so với mức cho phép: Hai loại thuốc lá nhập lậu nhiều nhất hiện nay là JET và HERO có hàm lượng Tar là 19-20mg/điếu thuốc, Nicotine là 1,9mg/điếu (quy định hiện nay: Tar 12mg/đ, Nicotine 1,0mg/đ). Tình trạng nhập lậu, buôn bán thuốc lá lậu ngang nhiên trái phép đã làm thất thu NSNN khoảng 10.000 tỷ đồng/năm, ảnh hưởng tới việc làm và đời sống của1,5 triệu lao động trong ngành.

Những quyết sách nhằm đẩy lùi thuốc lá lậu

Nhận thấy tình hình buôn lậu thuốc lá đang ngày càng nghiêm trọng và có tác động xấu đến xã hội, năm 2014 Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những quyết sách kịp thời, sáng suốt để ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, buôn bán trái phép thuốc lá. Cụ thể:

– Thành lập Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả;

– Ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg về việc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá.

– Quyết định dừng thí điểm tái xuất thuốc lá lậu bị tịch thu.

Những quyết sách đúng đắn của Chính phủ đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong nước và từng bước đẩy lùi nạn buôn lậu thuốc lá. Cùng với sự ra quân đồng loạt của Ban chỉ đạo 389, các Bộ ban ngành và địa phương, lượng thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam giảm mạnh trong thời gian trước tết nguyên đán Ất Mùi 2015. Nhiều đối tượng đầu nậu, đối tượng vận chuyển, buôn bán thuốc lá lậu bị bắt và xử lý.

Tại hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng thực hiện Chỉ thị 30/CT-TTg ngày 30 tháng 9 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận: Thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg, các Bộ, ngành, địa phương và lực lượng chức năng đã khẩn trương triển khai công ác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá và đạt những kết quả tích cực: từ tháng 10 năm 2014 đến tháng 3 năm 2015 đã bắt giữ hơn 5,1 triệu bao thuốc lá ngoại nhập lậu tăng 45% so với cùng kỳ), lượng thuốc lá bán ra của các doanh nghiệp trong nước tăng trên 5%. Tuy nhiên, đây chỉ là kết quả bước đầu, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung và mặt hàng thuốc lá nói riêng vẫn diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn cho phát triển kinh tế – xã hội và sản xuất trong nước, làm giảm tốc độ tăng trưởng, thất thu ngân sách và ảnh hưởng đến đời sống, việc làm của người lao động. Tình trạng thuốc lá ngoại nhập lậu vẫn được bầy bán công khai ở nhiều nơi ở các địa phương trên cả nước và gia tăng về chủng loại với hàm lượng tar, nicotine vượt mức cho phép nhiều lần làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân.

Một số kiến nghị nhằm đẩy mạnh công tác chống buôn lậu thuốc lá

Để Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ thực sự đi vào cuộc sống, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, tăng thu ngân sách nhà nước và bảo vệ người tiêu dùng, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam kiến nghị Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và các Bộ ngành, địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá:

1. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành và địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá.

2. Kiến nghị các địa phương trong cả nước triển khai Chỉ thị 30 đồng bộ và quyết liệt hơn. Chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn kiên quyết đấu tranh, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá nhập lậu (đặc biệt là việc tăng cường công tác kiểm tra bày, bán thuốc lá lậu tại các tủ, quầy, cửa hàng, nhà hàng, khách sạn…).

3. Kiến nghị các cơ quan ban ngành địa phương có văn bản yêu cầu cán bộ, Đảng viên, CNV làm việc trong bộ máy hành chính nhà nước không được hút thuốc lá lậu (hút thuốc lậu là tiếp tay cho buôn lậu, trốn thuế), có những biện pháp để ưu tiên sử dụng sản phẩm hợp pháp, thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

4. Kiến nghị trích 50% Quỹ PCTHTL cho công tác phòng chống thuốc lá nhập lậu.

Theo quy định của Luật PCTHTL, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thuốc lá phải đóng Quỹ PCTHTL với mức đóng là: 1% từ 01/5/2013; 1,5% từ 01/5/2016; 2% từ ngày 01/5/2019 (tính trên giá tính thuế TTĐB của bao thuốc). Hiện tại mỗi năm Quỹ có khoảng 400-500 tỷ đồng, và được sử dụng toàn bộ cho các hoạt động phòng chống thuốc lá, các hoạt động truyền thông, xây dựng chính sách, tìm hiểu, khảo sát kinh nghiệm của nước ngoài (Mới sử dụng 10% quỹ)…; trong khi đó Quỹ chưa được sử dụng cho hoạt động chống buôn lậu thuốc lá. Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam

kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Y tế nghiên cứu cơ chế tài chính cho phép trích khoảng 50% Quỹ PCTHTL cho công tác phòng chống thuốc lá nhập lậu, vì thuốc lá nhập lậu có tác hại lớn hơn do trốn thuế, không kiểm soát được chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm, nguy hại đến sức khỏe cộng đồng..

5. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương và các Bộ ngành liên quan sửa đổi Thông tư liên tịch số 36/2012/TTLT-BCT-BCA-BTP-BYT-TANDTC-VKSNDTC ngày 07/12/2012 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo hướng quy định giảm số lượng bao thuốc lá nhập lậu làm căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự từ 1.500 bao xuống 500 bao.

Tại Thông tư liên tịch số 36, Điều 7.2 quy định truy cứu trách nhiệm hình sự khi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ sản phẩm thuốc lá nhập lậu với số lượng từ 1.500 bao trở lên. Do đó, các đối tượng buôn lậu đã chia nhỏ khối lượng và giao cho nhiều người khác nhau vận chuyển hoặc tàng trữ dưới mức 1.500 bao để tránh bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Phương thức tinh vi này của đối tượng buôn lậu đã gây nhiều khó khăn cho công tác truy quét, phòng chống buôn lậu của cơ quan chức năng và không có cơ sở để xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu. Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong thời gian qua số vụ buôn lậu thuốc lá bị xử lý hình sự chỉ chiếm 0,95% tổng số vụ bị bắt giữ.

Chính vì vậy, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi vận chuyển, kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 500 bao trở lên thay vì mức 1.500 bao như hiện nay để tăng tính răn đe.

6. Kiến nghị Chính phủ và các Bộ ngành xem xét tăng biên chế và công cụ hỗ trợ cho lực lượng công an, biên phòng, hải quan và QLTT; hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị phương tiện, biên chế cho các lực lượng trực tiếp kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu thuốc lá.

7. Kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét giữ nguyên quy định cũ về cách tính thuế TTĐB.

Năm 2014, Quốc hội đã thông qua Tờ trình của Chính phủ về Luật Thuế TTĐB sửa đổi, trong đó việc tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá được thực hiện theo một lộ trình phù hợp. Điều này đã giảm chênh lệch lợi nhuận giữa thuốc lá nhập lậu và thuốc lá SX trong nước, là điều kiện rất quan trọng để phát huy hiệu quả các giải pháp chống buôn lậu thuốc lá, góp phần vào thành công của Chỉ thị 30/CT-TTg.

Bộ Tài chính hiện đã dự thảo và xin ý kiến các Bộ ngành, địa phương về Nghị định hướng dẫn Luật số 30/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TTĐB, trong đó có thay đổi về giá tính thuế TTĐB. Nội dung thay đổi có những điểm chi tiết và kỹ thuật, nhưng có thể tóm tắt những thay đổi chính sau:

Luật thuế TTĐB số 70/2014/QH13 ngày 26/11/2014 quy định giá làm căn cứ tính thuế đối với hàng hóa sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra.

Nhưng theo dự thảo Nghị định, giá tính thuế TTĐB được quy định như sau:

– Trường hợp cơ sở sản xuất mặt hàng chịu thuế TTĐB bán hàng qua các cơ sở trực thuộc hạch toán phụ thuộc thì giá làm căn cứ tính thuế TTĐB là giá do cơ sở trực thuộc hạch toán phụ thuộc bán ra.

– Trường hợp cơ sở sản xuất mặt hàng chịu thuế TTĐB bán hàng qua các công ty con hoặc bán hàng qua công ty con khác trong cùng công ty mẹ, công ty liên kết thì giá làm căn cứ tính thuế TTĐB là giá do các công ty con hoặc công ty liên kết bán ra thị trường nhưng không được thấp hơn 5% so với giá bán cao nhất của các cơ sở kinh doanh thương mại.

– Trường hợp cơ sở sản xuất mặt hàng chịu thuế TTĐB bán hàng cho các cơ sở kinh doanh thương mại thì giá làm căn cứ tính thuế TTĐB là giá bán của cơ sở sản xuất mặt hàng chịu thuế TTĐB nhưng không được thấp hơn 5% so với giá bán cao nhất của các cơ sở kinh doanh thương mại bán ra.

Như vậy, nội dung sửa đổi về giá làm căn cứ tính thuế TTĐB trong Dự thảo Nghị định còn có điểm chưa phù hợp với quy định của Luật thuế TTĐB hiện hành. Quy định khống chế từ 10% xuống còn 5% sẽ gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, vì mức 5% không đủ bù đắp chi phí chưa kể đến việc duy trì được lợi nhuận tối thiểu cho nhà phân phối

– Do vậy, khi điều chỉnh này có hiệu lực, lợi nhuận của các nhà phân phối (cơ sở kinh doanh thương mại) sẽ giảm mạnh, hoặc bị lỗ, có thể các nhà phân phối sẽ chuyển sang kinh doanh các mặt hàng thuốc lá nhập lậu có lợi nhuận tốt hơn nhiều so với sản phẩm trong nước sản xuất. Lúc đó, doanh nghiệp sản xuất phải xây dựng mới hoàn toàn hệ thống phân phối, chi phí sẽ rất lớn, nguy cơ lỗ cao, làm giảm khả năng cạnh tranh sản phẩm.

Trong tình hình nhà nước đang đẩy mạnh chống buôn lậu thuốc lá, giãn lộ trình tăng thuế TTĐB để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuốc lá trong nước nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, từng bước thay thế các sản phẩm thuốc lá nhập lậu, nếu sửa đổi quy định tính thuế TTĐB theo Dự thảo Nghị định mới các doanh nghiệp trong nước sẽ gặp nhiều khó khăn, thuốc lá lậu lại có cơ hội gia tăng lợi nhuận, phát triển trở lại. Vì vậy, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét giữ nguyên quy định cũ về cách tính thuế TTĐB.

Tin khác đã đăng