Kiến nghị xử lý hình sự buôn lậu thuốc lá mức 500 bao



Thứ Sáu, 22/05/2015 10:26 GMT+7 (HQ Online)- Ngày 21-5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng thực hiện Chỉ thị 30/CT-TTg ngày 30-9-2014 về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá. Hội nghị trực tuyến được thực hiện tại điểm cầu trụ sở Chính phủ và 11 điểm cầu của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tại hội nghị, thay mặt Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn báo cáo kết quả triển khai Chỉ thị 30. Theo đó, công tác đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển thuốc lá lậu bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên do giá thuốc lá ngoại trên thị trường tăng mạnh, nên các đối tượng tổ chức buôn lậu thuốc lá từ nước ngoài về Việt Nam làm cho tình hình ở các tuyến, địa bàn trọng điểm có dấu hiệu gia tăng, khó lường và có nguy cơ bùng phát trở lại.

Tại Hội nghị, các địa phương cũng thống nhất với giải pháp mà Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn đề xuất. Đó là, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm Chỉ thị 30, nhất là các tuyến địa bàn trọng điểm cần xây dựng các kế hoạch chuyên đề, chuyên án lớn để đấu tranh, đẩy lùi hoạt động buôn lậu thuốc lá trên địa bàn.

Đồng thời, tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá nhập lậu đối với sức khỏe cộng đồng và thất thu cho ngân sách Nhà nước; vận động người dân “nói không với hàng lậu” và hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương sửa đổi, bổ sung Nghị định 185/2013/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 36/2012/TTLT-BCT-BCA-BTP-BYT-TANDTC-VKSNDTC. Các đại biểu nhất trí cao với đề xuất tăng chế tài, giảm số lượng thuốc lá nhập lậu, buôn bán, vận chuyển từ 1.500 bao xuống còn 500 bao phải xử lý hình sự để đảm bảo tính răn đen và thể hiện quyết tâm thực hiện Chỉ thị 30.

Cùng đồng tình với các ý kiến trên, hội nghị cũng tiếp thu những ý kiến đóng góp của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

Thứ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng, công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá có những chuyển biến tích cực khi triển khai Chỉ thị 30. Tuy nhiên hoạt động buôn lậu thuốc lá còn nhiều phức tạp, xuất hiện đường dây, ổ nhóm.

Lực lượng Công an đã tham gia xử lý hàng trăm vụ việc, khởi tố hàng nghìn vụ. Nguyên nhân là do lợi nhuận từ hoạt động buôn lậu và sản xuất trong nước có sự chênh lệch giá. Khi giá thuốc lá trong nước cao lên thì thuốc lá ngoại từ nước ngoài tràn vào.

Mặt khác, sự phối hợp giữa các lực lượng, các địa phương chưa thực sự gắn kết; chưa xử lý triệt để được đối tượng chủ mưu. Bộ Công an đề xuất cần sửa đổi các văn bản, chế tài xử lý, chính sách thuế đẩy mạnh công tác tuyên truyền về những tác hại của thuốc lá lậu; bổ sung quỹ chống tác hại của thuốc lá để mua trang thiết bị hỗ trợ…

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những nỗ lực của các lực lượng đã chấp hành, triển khai nghiêm túc, tập trung chỉ đạo Chỉ thị 30. Điều này đã thể hiện ở kết quả bắt giữ thuốc lá lậu so với thị phần thuốc lá trên thị trường cao.

Nhất trí cao với các giải pháp của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, các địa phương, các lực lượng đã đề xuất, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Chính phủ luôn xem công tác chống buôn lậu là một nhiệm vụ triển khai thường xuyên, phải ngăn chặn bằng được hàng lậu, thúc đẩy sản xuất trong nước, tăng trưởng kinh tế, giải quyết khó khăn về việc làm.

Thuốc lá lậu ảnh hưởng lớn đến vệ sinh an toàn thực phẩm, sức khỏe người dân, kéo theo những bệnh hiểm nghèo, tỷ lệ tử vong hàng năm tăng cao, đặc biệt thuốc lá lậu không được kiểm soát về chất lượng, báo động vệ sinh an toàn thực phẩm. Mặc khác, thuốc lá lậu gây thất thu ngân sách Nhà nước.

Do vậy các lực lượng cần tập trung đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tối đa buôn lậu, bảo vệ sản xuất trong nước, cải thiện đời sống nhân dân, góp phần tăng thu ngân sách. Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác này, người đứng đầu, lãnh đạo các đơn vị, các địa phương cần đề cao trách nhiệm của mình, hoàn thành tốt nhiệm vụ giao. Lãnh đạo các địa phương chỉ đạo các lực lượng phối hợp tốt, các ngành chức năng tập trung kiểm tra đôn đốc thực hiện để tình hình buôn lậu giảm.

Thủ tướng cũng đề nghị Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cần quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, trong đó có đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá. Cơ quan chức năng cùng cấp ủy, chính quyền địa phương phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, làm sao tập trung đánh trúng vào các đối tượng cầm đầu, chủ mưu.

Các lực lượng Công an, Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường, Cảnh sát biển đi sâu vào điều tra, tìm ra các đối tượng cầm đầu. Lực lượng Quản lý thị trường xử lý tịch thu các điểm bày bán thuốc lá công khai, phối hợp với lực lượng Công an tiến hành điều tra sâu.

Để làm tốt được các nhiệm vụ giao, các lực lượng cần chú trọng công tác giáo dục cán bộ, chiến sỹ, nghiêm cấm các hành vi tiếp tay cho các hoạt động buôn lậu; tuyên truyền vân động nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về chống buôn lậu, chống hàng giả, chống gian lận thương mại; nâng cao chất lượng sản xuất hàng hóa trong nước, giảm giá thành; nghiên cứu xu hướng, đáp ứng yêu cầu người dân.

Nếu không tính đến chất lượng, giá thành sản xuất hàng hóa trong nước thì sẽ làm gia tăng buôn lậu. Chính phủ rất quan tâm, tạo điều kiện khuyến khích thúc đẩy sản xuất trong nước. Chống buôn lậu thuốc lá phải thực hiện quyết liệt ngay từ biên giới, kết hợp với ngăn đầu nậu từ bên trong.

Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia bổ sung các giải pháp hiệu quả vào Nghị quyết của Chính phủ, để làm sao đưa công tác chống buôn lậu hiệu quả hơn, bảo vệ sản xuất trong nước, tạo công ăn việc làm, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy.

Tin khác đã đăng