Chống buôn lậu thuốc lá: Sẽ huy động sức mạnh tổng lực



Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác quản lý thị trường năm 2015 và quán triệt Chỉ thị số 30⁄CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã tới dự và chủ trì Hội nghị.

Thất thu ngân sách hơn 8000 tỷ

Báo cáo về kết quả công tác chống buôn lậu thuốc lá năm 2014, ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết: Tình hình buôn lậu, vận chuyển, buôn bán thuốc lá nhập lậu hiện vẫn diễn biến rất phức tạp tại nhiều địa bàn trọng điểm. Tại tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia, khi lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra trên tuyến đường bộ thì đối tượng buôn lậu, buôn bán, vận chuyển thuốc lá nhập lậu lại chuyển hướng hoạt động sang tuyến đường sông hoặc trên các kênh, rạch bằng cách sử dụng xuồng máy chạy với tốc độ cao. Tuyến biên giới Việt Nam – Lào, thuốc lá nhập lậu chủ yếu qua đường sông Sê Pôn với chiều dài trên 10 km với 17 bến đò có hoạt động vận chuyển tập kết hàng nhập lậu, trong đó có 05 bến đò có hoạt động vận chuyển thuốc lá ngoại nhập lậu. Sau đó, các chủ hàng chia nhỏ và thuê cửu vạn gùi cõng qua các đường mòn trong rừng hai bên cánh gà khu vực Trạm Kiểm soát Cổng B khu Kinh Tế Thương Mại đặc biệt Lao Bảo rồi đưa vào nội địa tiêu thụ.

Trong khi đó tại tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc, các đối tượng buôn lậu lợi dụng địa bàn vùng biển của tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng sử dụng xuồng cao tốc vận chuyển thuốc lá điếu ngoại đã tái xuất sang Trung Quốc rồi đưa ngược về khu vực Trà Cổ, xã Bình Ngọc, thành phố Móng Cái sau đó chia nhỏ, sử dụng các loại phương tiện để vận chuyển sâu vào nội địa. Ngoài ra các đối tượng còn lợi dụng chính sách hoàn thuế VAT đối với thuốc lá điếu của Việt Nam xuất khẩu, sau đó tìm cách nhập lậu lại Việt Nam để tiêu thụ. Trong thị trường nội địa, thuốc lá nhập lậu tuy không còn bày bán công khai như trước đây nhưng vẫn được các đối tượng bán lén lút tại các nhà hàng, khách sạn, quán bar, vũ trường … hoặc các điểm kinh doanh nhỏ, lẻ, các cửa hàng tạp hóa, các quán nước trên vỉa hè hoặc được bán lẻ tại những địa điểm không cố định nằm rải rác tại các tuyến phố, các quận, huyện. Thuốc lá nhập lậu chủ yếu được cất giấu tại địa điểm khác hoặc được cất giấu, tàng trữ tại nhà ở và được vận chuyển dần đến điểm kinh doanh với số lượng nhỏ, bán hết lại đưa đến nên số lượng thuốc lá nhập lậu thu giữ tại các cửa hàng, các điểm kinh doanh không nhiều.

Theo ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, năm 2014 là năm hết sức khó khăn đối với ngành thuốc lá Việt Nam. Do tác động của việc in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh 50%, sản lượng tiêu thụ toàn ngành đã giảm hơn 20%; nhiều sản phẩm, mác thuốc giảm mạnh 30-40%. Chỉ riêng việc in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh đã ảnh hưởng rất lớn tới công ăn việc làm và đời sống của người lao động trong ngành; nộp NSNN cũng giảm trên 10%, tương đương gần 2000 tỷ đồng.

Theo kết quả phân tích của Viện Kinh tế kỹ thuật Thuốc lá thì trong thuốc lá lậu có một số độc tố cấm sử dụng, và hàm lượng Tar, Nicotine vượt mức cho phép nhiều. Hai loại thuốc lá nhập lậu nhiều nhất hiện nay là JET và HERO có hàm lượng Tar là 19-20g/điếu thuốc, Nicotine là 1,9mg/điếu.

Trong khi sản lượng sản xuất thuốc lá trong nước giảm do các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, thì tiêu dùng thuốc lá không giảm. Thay vào đó là lượng thuốc lá nhập lậu tăng đột biến cả về số lượng, chủng loại và địa bàn. Số thuốc lá nhập lậu năm 2013 là 21,9 tỷ điếu, chiếm 20,7% thị phần; Năm 2014, theo số liệu khảo sát của các tổ chức có uy tín, thuốc lá lậu đã tăng lên 30 – 40%. Năm 2013, thuốc lá nhập lậu gây thất thu ngân sách Nhà nước ((NSNN) 6.500 tỷ đồng. Năm 2014, NSNN có thể thất thu hơn 8.000 tỷ đồng. Theo Báo cáo của Oxford Economics 2014, Việt Nam đã trở thành thị trường tiêu thụ thuốc lá lậu hàng đầu trong số 14 quốc gia Châu Á được khảo sát (bao gồm: Indonesia, Thailand, Cambodia, Taiwan, Laos, Australia, Philippines, Singapore, Viet Nam, Myanmar, Pakistan, Hong Kong, Malaysia, Brunei).

Cũng theo phân tích của ông Vũ Văn Cường, buôn lậu thuốc lá đang thu siêu lợi nhuận, chỉ sau buôn ma túy. Môi trường pháp lý nghiêm ngặt đối với ngành thuốc lá trong nước đang vô tình gián tiếp tạo điều kiện cho thuốc lá nhập lậu phát triển nhanh chóng; một môi trường cạnh tranh không bình đẳng, khu vực kinh tế ngầm mà cụ thể ở đây là tình trạng buôn lậu, trốn thuế thuốc lá phát triển mạnh. Thuốc lá lậu do trốn thuế (Thuế TTĐB 65%, VAT 10% , thuế NK 135%, ) nên có thể bán rẻ hơn nhiều so với thuốc lá sản xuất trong nước (cùng chủng loại, cùng phân khúc). Thuốc lá lậu trốn thuế, giá rẻ và không phải in cảnh báo sức khỏe, không phải trích Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá nên sẽ được người tiêu dùng sử dụng nhiều hơn chứ không giảm.

Kết quả chưa đạt kỳ vọng

Trước tình hình trên, lực lượng Quản lý thị trường đã tăng cường hoạt động tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát, góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống buôn lậu thuốc lá. Cụ thể, trong năm 2014 lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã triển khai 1.496 đợt tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương; tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho 33.314 tổ chức, cá nhân kinh doanh thông qua hoạt động kiểm tra kiểm soát; tổ chức ký cam kết đến 20.669 cơ sở kinh doanh mặt hàng thuốc lá. Cục Quản lý thị trường phối hợp với Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam chỉ đạo 17 Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam thực hiện Chương trình tuyên truyền chống buôn bán, vận chuyển, kinh doanh thuốc lá nhập lậu, đã dán 10.000 tờ áp phích khổ A3 và 100.000 tờ khổ A4 tại các địa điểm kinh doanh, các địa điểm công cộng và những nơi tập trung đông người.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Cục Quản lý thị trường, lực lượng Quản lý thị trường trong cả nước tiến hành đợt kiểm tra cao điểm nhằm ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển, kinh doanh thuốc lá nhập lậu. Trong đó, tăng cường quản lý địa bàn, rà soát các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá điếu, điểm tập kết, cất giữ thuốc lá điếu nhằm nắm chắc diễn biến tình hình để thực hiện tốt hơn việc kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh thuốc lá. Kết quả, đã kiểm tra trên 13.367 lượt, xử lý 8.905 vụ, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 25 tỷ đồng, tịch thu khoảng 2 triệu bao thuốc lá các loại, thu giữ 12 ô tô, 716 xe máy, 08 ghe, xuồng máy các loại và chuyển cơ quan công an khởi tố 32 vụ.

Triển khai thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá, Cục Quản lý thị trường có văn bản chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh Quảng Trị, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh lân cận chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng Công an, Hải quan, Bộ đội Biên phòng kiểm soát chặt chẽ các khu vực giáp biên giới, các tuyến đường từ biên giới vào nội địa, các địa bàn giáp ranh liên huyện, liên tỉnh. Trong nội địa, tại các địa bàn tiêu thụ thuốc lá lớn chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, các điểm tàng trữ, buôn bán thuốc lá. Chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng xây dựng kế hoạch phối hợp kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ, đúng thời điểm nhằm tạo sức mạnh tổng lực trong việc ngăn chặn hoạt động buôn lậu thuốc lá liên quan tới nhiều địa bàn. Từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Bộ Công Thương, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 4.756 vụ (chiếm 34% so với số vụ kiểm tra trong năm 2014), xử lý 4.192 vụ (chiếm 47 % so với cả năm 2014), thu giữ 873.399 bao thuốc lá các loại (chiếm 43.67% so với cả năm 2014), xử phạt vi phạm hành chính hơn 10,2 tỷ đồng (chiếm 41 % so với cả năm 2014).

Mặc dù vậy, công tác phòng chống buôn lậu thuốc lá vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Các đối tượng buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu hoạt động với thủ đoạn ngày càng tinh vi, chặt chẽ hơn, sử dụng phương tiện thông tin liên lạc hiện đại, hình thành đường dây với sự móc nối chặt chẽ giữa các đối tượng trong nước và đối tượng ở nước ngoài; sẵn sàng manh động, chống trả lực lượng chức năng hoặc cản trở việc truy đuổi của các lực lượng chức năng; tổ chức, kích động, lôi kéo người dân tiếp tay cản trở lực lượng chức năng thi hành công vụ nhằm cướp lại hàng, gây không ít khó khăn cho công tác đấu tranh ngăn chặn việc vận chuyển, buôn bán thuốc lá nhập lậu.

Thuốc lá sản xuất trong nước được sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng, hàm lượng Tar, nicotin bị giới hạn theo tiêu chuẩn chất lượng hoặc nếu có được sản xuất trong nước thì giá thành cao do phải đóng các loại thuế, trong khi người hút thuốc chưa thay đổi được gu; lợi nhuận từ việc buôn lậu, buôn bán, vận chuyển thuốc lá nhập lậu rất lớn; đời sống của cư dân biên giới còn nghèo. Sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong việc trao đổi thông tin, tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm chưa chủ động, chặt chẽ, thường xuyên và kịp thời, vẫn còn mang tính cục bộ.

Các lực lượng chức năng mỏng, thiếu kinh phí, phương tiện, trình độ chuyên môn chưa đồng đều trong khi phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu ngày càng tinh vi và sử dụng phương tiện hiện đại, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát; kinh phí phục vụ mua tin, tổ chức kiểm tra, bắt giữ thuốc lá nhập lậu hiện vẫn còn khó khăn nên dẫn đến kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng.

Sẽ huy động sức mạnh tổng lực

Bàn về các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, buôn bán, vận chuyển thuốc lá nhập lậu trong thời gian tới, ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho rằng, lực lượng Quản lý thị trường cần tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Công Thương, xác định thuốc lá là mặt hàng trọng điểm của công tác kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, buôn bán, vận chuyển kinh doanh hàng nhập lậu năm 2015 và các năm tiếp theo. Phối hợp các cơ quan thông tấn, báo chí tuyên truyền, cảnh báo cho người dân các nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng từ thuốc lá không rõ nguồn gốc, thuốc lá nhập lậu. Tổ chức vận động công chức, người lao động trong đơn vị thực hiện nghiêm túc Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, không sử dụng thuốc lá nhập lậu và không hút thuốc lá nơi công cộng. Đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh đã ký cam kết không kinh doanh, buôn bán, tàng trữ thuốc lá nhập lậu, lực lượng Quản lý thị trường cần tiến hành kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để việc ký cam kết có hiệu quả, không mang tính hình thức. Tăng cường công tác quản lý địa bàn, quản lý thị trường nội địa, xây dựng mạng lưới thông tin cơ sở để chủ động trong việc tổ chức kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn việc buôn lậu, buôn bán, vận chuyển thuốc lá nhập lậu. Thường xuyên kiểm tra các điểm buôn bán, bán lẻ thuốc lá nhập lậu để kịp thời phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân có vi phạm.

Để thực hiện được các biện pháp này, ông Nguyễn Trọng Tín nêu kiến nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị phương tiện, biên chế cho các lực lượng trực tiếp kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại nói chung và mặt hàng thuốc lá nói riêng nhằm nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá nhập lậu. Bộ Quốc phòng cần chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát, lập chốt ở khu vực biên giới, các đường mòn lối mở kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các đối tượng buôn lậu, tàng trữ vận chuyển thuốc lá nhập lậu. Bộ Tài chính cần chỉ đạo lực lượng Hải quan kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển thuốc lá nhập lậu qua cửa khẩu, hai bên cánh gà cửa khẩu, khu vực địa bàn kiểm soát của Hải quan. Bộ Công an chỉ đạo lực lượng Cảnh sát kinh tế, An ninh kinh tế, cơ quan điều tra tăng cường công tác điều tra, trinh sát nắm tình hình, xác lập các chuyên án, triệt phá các đối tượng đầu nậu, đường dây ổ nhóm buôn bán thuốc lá nhập lậu để khởi tố, truy tố trước pháp luật. Các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc – Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389). Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam tiếp tục hỗ trợ các lực lượng chức năng trong đó có lực lượng Quản lý thị trường trong công tác tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân không tham gia buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá nhập lậu; hỗ trợ lực lượng Quản lý thị trường trong công tác kiểm tra kiểm soát chống buôn lậu, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá nhập lậu. Khen thưởng, động viên kịp thời đối với các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chống buôn lậu, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá nhập lậu.

Đồng tình với quan điểm của lãnh đạo Cục Quản lý thị trường, ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cũng đưa ra đề xuất, Bộ Công Thương khẩn trương thực hiện nhiệm vụ được giao tại Điểm 4b của Chỉ thị số 30/CT-TTg: “Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu sửa đổi Thông tư liên tịch số 36/2012/TTLT-BCT-BCA-BTP-BYT-TANDTC-VKSNDTC ngày 07/12/2012 theo hướng quy định giảm số lượng bao thuốc lá nhập lậu làm căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự”. Tại Thông tư liên tịch số 36, Điều 7.2 quy định truy cứu trách nhiệm hình sự khi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ sản phẩm thuốc lá nhập lậu với số lượng từ 1.500 bao trở lên. Do đó, các đối tượng buôn lậu đã chia nhỏ khối lượng và giao cho nhiều người khác nhau vận chuyển hoặc tàng trữ dưới mức 1.500 bao để tránh bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Phương thức tinh vi này của đối tượng buôn lậu đã gây nhiều khó khăn cho công tác truy quét, phòng chống buôn lậu của cơ quan chức năng và không có cơ sở để xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu. Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong thời gian qua số vụ buôn lậu thuốc lá bị xử lý hình sự chỉ chiếm 0,95% tổng số vụ bị bắt giữ. Chính vì vậy, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi vận chuyển, kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 500 bao trở lên thay vì mức 1.500 bao như hiện nay để tăng tính răn đe.

Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cũng kiến nghị Bộ Công Thương cho dừng các hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất thuốc lá ngoại; Chính phủ, Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo 389 cho phép Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam tiếp tục cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các lực lượng chức năng trong công tác phòng chống buôn lậu thuốc lá điếu. Đồng thời, Hiệp hội cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh lộ trình giảm Tar, Nicotine trong thuốc điếu và đề nghị trích 50% Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá cho công tác phòng chống thuốc lá nhập lậu.

Đánh giá những kết quả đạt được và kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhận định, trong thời gian qua, lực lượng Quản lý thị trường đã có nhiều cố gắng trong công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu và đạt được kết quả nhất định. Bước đầu đã ngăn chặn được một số điểm nóng chuyên kinh doanh mặt hàng thuốc lá nhập lậu, hạn chế tối đa tình trạng bày bán công khai thuốc lá nhập lậu tại các cửa hàng. Lực lượng Quản lý thị trường đã phối hợp với các lực lượng chức năng (Công an, Hải quan, Biên phòng) phát hiện một số vụ việc và thu giữ được số lượng lớn thuốc lá nhập lậu. Công tác kiểm tra kiểm soát được kết hợp với công tác tuyên truyền góp phần tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức cá nhân kinh doanh nhằm hạn chế việc vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh thuốc lá nhập lậu. Tại một số địa bàn “ nóng” về vận chuyển và tiêu thụ thuốc lá nhập lậu lớn, mặc dù các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đã quan tâm chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhưng nhìn chung kết quả đạt được chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao, chưa đạt được kỳ vọng của Chính phủ, Bộ Công Thương và của nhân dân. Việc tổ chức, phối hợp giữa các lực lượng chức năng để triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu thuốc lá chưa được chặt chẽ, thường xuyên liên tục.

Trước đòi hỏi của tình hình mới, để nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu thuốc lá, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đề nghị lực lượng Quản lý thị trường cần phải cố gắng nhiều hơn nữa, nâng cao hơn trình độ nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức để đấu tranh có hiệu quả với các thủ đoạn buôn lậu ngày càng tinh vi. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng khẳng định, để dứt điểm nạn buôn lậu thuốc lá, cần phải huy động sức mạnh tổng lực của tất cả các Bộ, ngành và đơn vị liên quan trên toàn quốc. Do đó, lực lượng Quản lý thị trường cần chủ động, tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng và quyết tâm cao độ trong công tác chống buôn lậu, buôn bán, vận chuyển thuốc lá nhập lậu.

Tin khác đã đăng